Lưu trữ

Archive for Tháng Mười, 2012

Vài suy nghĩ về Dịch lý phương Đông


Âm Dương

Sau 2-3 tuần tìm đọc về Dịch lý, Bát quái, Ngũ hành. Nhận thấy rằng tài liệu sách vở về Dịch lý ở VN và trên mạng được viết theo đủ kiểu, không có tính nhất quán, thậm chí nhiều người viết sai và tự chế. Nói chung là khá hỗn tạp.

Bát quái thì mâu thuẫn Ngũ hành, ráp các kiểu đồ hình chẳng có sự liên kết với nhau, đúng cái này thì sai cái kia. Dẫn tới tạo ra nhiều kiểu đồ hình bát quái, như Tiên thiên và Hậu thiên. Nhưng gộp lại thì không thấy được sự nhất quán. Gần đây một số nhà Dịch lý ở VN lại kết hợp với văn minh Lạc Việt và trống đồng, nghĩ ra thêm Trung thiên Bát quái, nhưng vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi.

60 nạp âm Hoa giáp cũng mâu thuẫn và ko có tính cấu trúc. Nhưng chẳng hiểu vì sao trải qua mấy ngàn năm nghiên cứu và phát triển, khó mà tìm thấy một nhà nghiên cứu nào phản biện vấn đề này, đa phần đều tặc lưỡi bỏ qua, người xưa viết vậy ắt là có huyền cơ, cứ áp dụng theo vậy. Đây cũng có thể là do văn hoa khoa học của phương Đông, ít dám phản biện và chấp nhận phản biện, hậu sinh thì phải nghe theo lời tiền bối, và xu hướng nhuốm màu huyền bí cho khoa học để dễ lừa gạt, thu lợi ích cho riêng mình.

Xem lại các học thuyết về Dịch lý, rõ ràng vẫn không giải thích được một cách nhất quán toàn bộ thế giới tự nhiên. Lý giải lúc đúng lúc sai, phù hợp cái này thì mâu thuẫn cái kia. Ngũ hành thì cho rằng toàn bộ thế giới tự nhiên bị chi phối bởi 5 hành: Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ; còn Bát quát thì có 8 quái: Thiên (Càn) Trạch (Đoài) Hoả (Ly) Lôi (Chấn) Phong (Tốn) Thuỷ (Khảm) Sơn (Cấn) Địa (Khôn). Giữa 5 hành và 8 quái cũng đã cho thấy sự khác nhau về cách lý giải thế giới tự nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu Dịch học lại còn kết hợp 2 học thuyết này lại với nhau, cho ra đồ hình Bát quái ngũ hành, sự kết hợp khiên cưỡng, làm cho lý luận càng rối khi phải nhồi nhét 8 quái và 5 hành. Một ví dụ cụ thể là phản ứng phân hạch nguyên tử. Nếu nói Uranium là thuộc Thổ, thì sự kết hợp của Thổ sao có thể cho ra Hoả (nguồn năng lượng hạt nhân) được? Không lẽ Uranium thuộc Mộc?

Trong khi khoa học thực chứng phương Tây, để một học thuyết được thừa nhận rộng rãi, thì phải đáp ứng 3 điều cơ bản sau:

1. Phải có cở sở logic học.
2. Phải có thực nghiệm chứng minh.
3. Phải có tính phổ quát cao.

Học thuyết Dịch lý phương Đông thường không đáp ứng được các điều này.

Tóm lại, Dịch lý phương Đông có 2 khả năng:

1. Hoặc là nó sai từ căn bản. Chỉ là 1 lý thuyết do người xưa nghĩ ra để giải thích thế giới, hiện giờ thì không còn hợp lý nữa, không áp dụng được.

2. Hoặc là nó bắt nguồn từ những nền văn minh ưu việt ngày xưa, nhưng bị thất truyền nhiều nội dung chính yếu, dẫn đến các nhà nghiên cứu về sau đã vận dụng sai, diễn giải lầm lạc, làm sai lệch đi nội dung ban đầu. Chưa kể một số thuật sĩ đã nhuốm màu sắc mê tín, tôn giáo để trục lợi bất chính.

Riêng về ứng dụng dự báo tương lai, vận mệnh của Dịch lý, người viết cho rằng các nhà nghiên cứu cần có những bằng chứng thực nghiệm xác đáng khi đưa ra các dự báo. Chứ không phải những phân tích, suy luận chủ quan phụ thuộc nhiều vào cảm tính và kinh nghiệm của riêng mình.

Phân tích sự bất hợp lý của Dịch lý phương Đông như thế không có nghĩa là chê bai, bài trừ hoàn toàn, xét theo góc độ lịch sử, Dịch lý vẫn chứa đựng những giá trị khoa học nhất định. Nhất là về toán học. Dựa vào Dịch lý có thể thấy rằng lịch sử phương Đông cổ đại đã có một nền toán học phát triển khá mạnh. Nhờ vào đó mà các lĩnh vực khác cũng phát triển theo như: xây dựng, kiến trúc, lịch pháp, thiên văn, thương mại…

Trên đây là một vài suy nghĩ của người viết đúc kết được sau khi tìm hiểu về Dịch lý. Ý tứ có phần lủng củng tí xíu, cũng chỉ mong chia sẻ quan điểm với mọi người. Nếu có điều chi sai sót, mong được sự chỉ bảo và học hỏi thêm từ những nhà nghiên cứu Dịch lý.

Nguyễn Việt Thắng.
nguyenvietthang0@gmail.com