Vài suy nghĩ về Dịch lý phương Đông


Âm Dương

Sau 2-3 tuần tìm đọc về Dịch lý, Bát quái, Ngũ hành. Nhận thấy rằng tài liệu sách vở về Dịch lý ở VN và trên mạng được viết theo đủ kiểu, không có tính nhất quán, thậm chí nhiều người viết sai và tự chế. Nói chung là khá hỗn tạp.

Bát quái thì mâu thuẫn Ngũ hành, ráp các kiểu đồ hình chẳng có sự liên kết với nhau, đúng cái này thì sai cái kia. Dẫn tới tạo ra nhiều kiểu đồ hình bát quái, như Tiên thiên và Hậu thiên. Nhưng gộp lại thì không thấy được sự nhất quán. Gần đây một số nhà Dịch lý ở VN lại kết hợp với văn minh Lạc Việt và trống đồng, nghĩ ra thêm Trung thiên Bát quái, nhưng vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi.

60 nạp âm Hoa giáp cũng mâu thuẫn và ko có tính cấu trúc. Nhưng chẳng hiểu vì sao trải qua mấy ngàn năm nghiên cứu và phát triển, khó mà tìm thấy một nhà nghiên cứu nào phản biện vấn đề này, đa phần đều tặc lưỡi bỏ qua, người xưa viết vậy ắt là có huyền cơ, cứ áp dụng theo vậy. Đây cũng có thể là do văn hoa khoa học của phương Đông, ít dám phản biện và chấp nhận phản biện, hậu sinh thì phải nghe theo lời tiền bối, và xu hướng nhuốm màu huyền bí cho khoa học để dễ lừa gạt, thu lợi ích cho riêng mình.

Xem lại các học thuyết về Dịch lý, rõ ràng vẫn không giải thích được một cách nhất quán toàn bộ thế giới tự nhiên. Lý giải lúc đúng lúc sai, phù hợp cái này thì mâu thuẫn cái kia. Ngũ hành thì cho rằng toàn bộ thế giới tự nhiên bị chi phối bởi 5 hành: Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ; còn Bát quát thì có 8 quái: Thiên (Càn) Trạch (Đoài) Hoả (Ly) Lôi (Chấn) Phong (Tốn) Thuỷ (Khảm) Sơn (Cấn) Địa (Khôn). Giữa 5 hành và 8 quái cũng đã cho thấy sự khác nhau về cách lý giải thế giới tự nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu Dịch học lại còn kết hợp 2 học thuyết này lại với nhau, cho ra đồ hình Bát quái ngũ hành, sự kết hợp khiên cưỡng, làm cho lý luận càng rối khi phải nhồi nhét 8 quái và 5 hành. Một ví dụ cụ thể là phản ứng phân hạch nguyên tử. Nếu nói Uranium là thuộc Thổ, thì sự kết hợp của Thổ sao có thể cho ra Hoả (nguồn năng lượng hạt nhân) được? Không lẽ Uranium thuộc Mộc?

Trong khi khoa học thực chứng phương Tây, để một học thuyết được thừa nhận rộng rãi, thì phải đáp ứng 3 điều cơ bản sau:

1. Phải có cở sở logic học.
2. Phải có thực nghiệm chứng minh.
3. Phải có tính phổ quát cao.

Học thuyết Dịch lý phương Đông thường không đáp ứng được các điều này.

Tóm lại, Dịch lý phương Đông có 2 khả năng:

1. Hoặc là nó sai từ căn bản. Chỉ là 1 lý thuyết do người xưa nghĩ ra để giải thích thế giới, hiện giờ thì không còn hợp lý nữa, không áp dụng được.

2. Hoặc là nó bắt nguồn từ những nền văn minh ưu việt ngày xưa, nhưng bị thất truyền nhiều nội dung chính yếu, dẫn đến các nhà nghiên cứu về sau đã vận dụng sai, diễn giải lầm lạc, làm sai lệch đi nội dung ban đầu. Chưa kể một số thuật sĩ đã nhuốm màu sắc mê tín, tôn giáo để trục lợi bất chính.

Riêng về ứng dụng dự báo tương lai, vận mệnh của Dịch lý, người viết cho rằng các nhà nghiên cứu cần có những bằng chứng thực nghiệm xác đáng khi đưa ra các dự báo. Chứ không phải những phân tích, suy luận chủ quan phụ thuộc nhiều vào cảm tính và kinh nghiệm của riêng mình.

Phân tích sự bất hợp lý của Dịch lý phương Đông như thế không có nghĩa là chê bai, bài trừ hoàn toàn, xét theo góc độ lịch sử, Dịch lý vẫn chứa đựng những giá trị khoa học nhất định. Nhất là về toán học. Dựa vào Dịch lý có thể thấy rằng lịch sử phương Đông cổ đại đã có một nền toán học phát triển khá mạnh. Nhờ vào đó mà các lĩnh vực khác cũng phát triển theo như: xây dựng, kiến trúc, lịch pháp, thiên văn, thương mại…

Trên đây là một vài suy nghĩ của người viết đúc kết được sau khi tìm hiểu về Dịch lý. Ý tứ có phần lủng củng tí xíu, cũng chỉ mong chia sẻ quan điểm với mọi người. Nếu có điều chi sai sót, mong được sự chỉ bảo và học hỏi thêm từ những nhà nghiên cứu Dịch lý.

Nguyễn Việt Thắng.
nguyenvietthang0@gmail.com

Thủ thuật tin học #1: Cách tạo một link ngắn (có cả QR Code)


Các bạn thường xuyên sử dụng Internet chắc hẳn có ít nhất đôi lần trích dẫn nội dung bằng một đường link Internet để người khác tham khảo. Nhưng việc trích dẫn không đơn giản chỉ là Copy & Paste. Thỉnh thoảng chúng ta gặp những đường link quá dài với đủ thứ ký tự rối rắm.

Với những đường link dài và cấu trúc vô trật tự như thế sẽ gây ra một số khó khăn sau:
– Khi bạn Copy & Paste, đoạn nội dung được Paste ra có thể sẽ bị mất Hyperlink (đường liên kết). Lúc này bấm vào link sẽ không dẫn tới nội dung của nó.
– Khi trích dẫn link vào một bài viết và in ra giấy, một đường link quá dài với đủ ký tự rối rắm sẽ gây nản lòng cho người muốn tra cứu. Vì họ không thể ngồi gõ nội dung đó vào máy tính được.
– Đường link dài sẽ làm cho bố cục bài viết trở nên rối rắm.
v.v…

Vì những khó khăn trên, nên cộng đồng Internet đã tạo ra khá nhiều công cụ để chuyển đổi một đường link dài thành một đường link ngắn (Create a short link hay Convert to a short link). Ngoài ra, với sự phổ biến của Smartphone (Điện thoại thông minh), người ta còn áp dụng các công nghệ mã hoá chuyển đổi ký tự thành hình ảnh như công nghệ QR Code (Mã ma trận có hình vuông với 3 góc định vị, tham khảo: Wikipedia QR Code).

Viết tới đây làm mình nhớ tới câu nói: Hầu hết những phát minh đều phục vụ cho tính lười biếng của con người!

Ví dụ:
Đây là đường link gốc dẫn đến một note của tôi trên Facebook:
https://www.facebook.com/notes/imhotec-seja/th%E1%BB%A7-thu%E1%BA%ADt-tin-h%E1%BB%8Dc-4-c%C3%A1ch-t%E1%BA%A1o-m%E1%BB%99t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-link-ng%E1%BA%AFn-c%C3%B3-c%E1%BA%A3-qrcode/460388127329426

=> Đường link này quá dài và phức tạp (205 ký tự, dài hơn 1 SMS)

Còn đây là đường link đã được làm ngắn lại:
Link 1: http://tinyurl.com/vitlongvang
Link 2: http://goo.gl/XRnDt
Link 3: http://q.gs/2285804/facebooksejanoteshortlink
QR Code:
QR Code

Các đường link trên đều dẫn tới một nguồn nội dung duy nhất là cái note này. (Đường nào rồi cũng về chuồng vịt! ^^)

Hướng dẫn thực hiện:

Cách 1: Dùng Google Url Shortener – goo.gl

Tính năng:
– Tạo một đường link ngắn có dạng: goo.gl/????? (với ????? là 5 ký tự ngẫu nhiên).
– Ngoài đường link ngắn ra còn có một QR Code.
– Nên đăng nhập vào tài khoản Google khi dùng công cụ này để khỏi phải nhập mã Captcha.
– Nếu có tài khoản Google, bạn có thể quản lý các đường link đã tạo (Views, Browsers, Countries).
– Các đường link ngắn được tạo không bao giờ hết hạn, trừ khi Google… đóng cửa!

Thực hiện:
Bước 1: Vào trang goo.gl
Bước 2: Đăng nhập tài khoản Google.
Bước 3: Copy & Paste đường link gốc vào ô trống. Bấm Shorten URL. Đường link ngắn được tạo sẽ hiển thị bên góc phải màn hình.
Bước 4: Bấm vào chữ Details bên cạnh đường link để xem thêm QR Code và thông tin của link.
Xong.

Cách 2: Dùng TinyURL.com

Tính năng:
– Tạo một đường link ngắn có dạng: tinyurl.com/******* (Trong đó ******* là những ký tự ngẫu nhiên hoặc do người tạo nhập).
– Người dùng có thể tự nhập nội dung của đường link.
– Không cần tài khoản đăng nhập, không phải nhập mã Captcha khi tạo, không quản lý được các đường link vì không có tài khoản.
– Không tạo được QR Code.
– Tạo ra 2 đường link. Một đường link đăng nhập trực tiếp có dạng tinyurl.com/*******. Một đường link gián tiếp qua trang tinyurl.com để xem trước đường link gốc có dạng preview.tinyurl.com/*******
– Các đường link được tạo không bao giờ hết hạn, trừ khi TinyURL… dẹp tiệm.

Thực hiện:
Bước 1: Vào trang tinyurl.com
Bước 2: Copy & Paste đường link gốc vào ô trống.
Bước 3: Nhập nội dung đường link ngắn cần tạo vào ô Custom Alias bên dưới, nếu bạn muốn có một đường link với nội dung theo ý mình, nếu không có thể bỏ qua bước này.
Bước 4: Bấm Make TinyURL!
Bước 5: Kết quả cho ra 2 đường link. Một dạng tinyurl.com/******* và một dạng preview.tinyurl.com/*******
Xong.

Ngoài 2 web trên, còn rất nhiều trang web khác hỗ trợ tạo đường link ngắn. Mình chỉ giới thiệu 2 trang này vì nó phổ biến và uy tín. Đặc biệt, có một trang tên là adf. Trang này ngoài tạo đường link ngắn ra, nó còn trả tiền cho bạn dựa vào số lượng truy cập vào đường link đã tạo (4$ cho 15.000 clicks thì phải), tức nhiên là kèm theo một điều kiện, họ sẽ quảng cáo khi bạn bấm vào đường link.

Percentage point và Basis point


1. Khái niệm về Percentage point và Basis point:

Nội dung được dịch từ nguồn: Math is fun – Percentage points

1.1. Percentage Points – Điểm phần trăm
Một điểm phần trăm = 1%.

Ví dụ: Tăng từ 14% lên 15% thì gọi là tăng 1 Điểm phần trăm.

Tránh sự nhầm lẫn với “Sự thay đổi phần trăm” ra sao!

Nếu bạn đơn giản chỉ trừ một phần trăm từ một con số phần trăm khác, thì nên sử dụng “Điểm phần trăm” khi nói về sự thay đổi này.

Điều này để chỉ rõ rằng bạn không có ý nói về sự thay đổi tương đối (tức là sự thay đổi một phần giá trị so với giá trị gốc).

Ví dụ:
Tiêu đề ghi: “Lãi suất tăng từ 10% lên 12%”

Tức là: 12/10 = 1.2 = 120%, tăng 20%.
hay: Từ 10% lên 12% là một sự tăng lên 2%.
Vậy cái nào đúng?

Câu nói đúng đó là tăng 20%, bởi vì “%” là tỷ lệ của 2 giá trị (giá trị mới chia cho giá trị cũ).

Tuy nhiên, những người với món nợ vay mua nhà có thể hiểu ý của bạn là lãi suất tăng từ 10% lên 30%, và chắc bạn không muốn làm cho họ trở nên quá kinh ngạc?!!

Vì thế, cách thay thế là nên nói lãi suất tăng 2 điểm phần trăm.

Vậy có 2 cách nói đúng khi nói lãi suất tăng từ 10% lên 12%:
– Tăng 20%.
– Tăng 2 điểm phần trăm.

Khi không chắc, nên sử dụng cả 2. Ví dụ, “Hôm nay, lãi suất đã tăng 2 điểm phần trăm, có nghĩa là số tiền thanh toán lãi sẽ tăng 20%”.

1.2. Basis Points – Điểm cơ bản (BPS)
Trong lĩnh vực tài chính, người ta thường sử dụng điểm cơ bản. Một điểm cơ bản bằng một phần một trăm của điểm phần trăm.

1 BPS (điểm cơ bản) = 0.01 Điểm phần trăm.
tức là: 100 BPS (điểm cơ bản) = 1 Điểm phần trăm.

Ví dụ: Chênh lệnh giữ 8.10% và 8.15% là 5 BPS (Điểm cơ bản)

2. Một số trường hợp viết sai ở VN khi nói về “sự thay đổi phần trăm”:

Đọc các báo cáo về lãi suất hay những chỉ tiêu thể hiện bằng con số phần trăm, thì thấy rằng có Tổng cục thống kê (GSO) là thường xuyên sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm. Trong khi đó, một cơ quan quan trọng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại hầu như không sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm và do đó, việc thể hiện sự thay đổi “con số phần trăm” trong báo cáo đã bị sai về mặt ngữ nghĩa.

Còn các tờ báo chuyên về kinh tế thì sử dụng thuật ngữ này một cách không đồng bộ. Thỉnh thoảng dịch sai lẫn lộn giữa Điểm phần trăm và Điểm cơ bản.

Ví dụ:

2.1. GSO đã sử dụng rất chuẩn xác thuật ngữ Điểm phần trăm trong THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 2012 ngày 29/06/2012.

2.2. Còn NHNN, trong bài viết Giảm lãi suất: Những động thái tích cực của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày 10/06/2012 lại không sử dụng Điểm phần trăm, làm cho ngữ nghĩa của bài viết trở nên sai hoàn toàn.

“Tiếp theo các giải pháp lãi suất, tín dụng đã và đang triển khai quyết liệt từ đầu năm 2012 tới nay, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, từ ngày 11/6/2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm 1%/năm đối với các mức lãi suất điều hành.”
=> Theo như ý của đoạn này, có thể hiểu là nếu hiện tại, lãi suất điều hành là 10%, thì mỗi năm sẽ bị giảm đi 1% của 10%. Tức là giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 9.9%.

“Mức lãi suất tiền gửi tối đa theo quy định hiện nay (11%/năm) ở mức khá cao, khoảng 3% so với lạm phát dự báo của tháng 6/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (khoảng 7,4-7,5%) và lạm phát kỳ vọng cả năm 2012 (khoảng 7-8%)”
=> Nếu nói lãi suất tiền gửi cao khoảng 3% so với lạm phát dự báo là 7,5%, thì có nghĩa là cao hơn 3% so với 7,5%, tức là lãi suất tiền gửi sẽ bằng 7,5% + 3%x7,5% = 7,725%. Đúng ra đoạn này phải được viết là cao hơn khoảng 3 điểm phần trăm.

Khá nhiều bài viết của NHNN đều mắc những lỗi sai tương tự, như trong bài Họp báo công bố Quyết định hạ lãi suất của NHNN ngày 11/04/2012.

2.3. Báo VnEconomy dịch sai Điểm cơ bản thành Điểm phần trăm:

– Trong bài viết ANZ: Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ của tác giả An Huy ngày 03/08/2012 có đoạn: “Cũng với quan điểm lãi suất của Việt Nam còn giảm, Ngân hàng JPMorgan Chase hồi tuần trước dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm. Ngân hàng Standard Chartered thì cho rằng, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm phần trong trong quý 3.”
=> Lãi suất mà giảm 200 điểm phần trăm tức là nếu lãi suất hiện tại là 9% thì lãi suất sau khi giảm sẽ là: 9% -200% = -191% ?!! +_+

– Đây là link gốc từ báo cáo của JP Morgan Chase: Vietnam: monetary policy rates headed even lower in 2H ngày 01/06/2012. Trong đó có đoạn: “Vietnam has stood out in recent years due to its high and volatile inflation cycles. This year, the inflation cycle has been notable again, though for more positive reasons, due to the consistent and rapid decline in price pressures. As a result, the SBV has eased monetary policy three times in as many months, by a total of 300bp. With inflation still expected to head lower in 3Q, the SBV will likely ease another 200-300bp this year.”
=> Ở đây, Điểm cơ bản (Basis point) đã được dịch sai thành Điểm phần trăm. Một sai lầm nghiêm trọng.

3. Túm lại!
Cộng đồng kinh tế VN nên sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm và Điểm cơ bản như thông lệ quốc tế cho các báo cáo của mình để tránh nhầm lẫn và sai sót.

Ví dụ:
Trên website của FED: Open Market Operations

Hướng dẫn đọc tin tức bằng RSS



Download PDF:

Bản full size 3.3MB

HƯỚNG DẪN ĐỌC TIN TỨC BẰNG RSS

Những người thường xuyên tiếp cận Internet, ngoài công việc ra, phần lớn bao giờ cũng dành ít thời gian để lướt web đọc tin tức vài lần trong ngày. Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, trên mạng tràn ngập các loại tin tức, đến mức làm cho chúng ta cảm thấy choáng ngợp và nhiễu loạn. Vậy làm sao để có thể theo vừa dõi tin tức hàng ngày một cách ít tốn thời gian nhất, vừa không bị nhiễu loạn thông tin mà lại có thể nắm được càng nhiều thông tin càng tốt? Đây là một vấn đề được rất là nhiều người dùng Internet nghĩ đến, và cũng rất nhiều trong số đó khá là vất vả để tìm ra cách giải quyết.

Chính vì lí do trên, mình thực hiện tài liệu hướng dẫn đọc tin bằng RSS này nhằm chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm từ cá nhân, mong rằng có ích cho mọi người. Ngoài hai cách đọc tin tức mà mình sẽ giới thiệu dưới đây, còn rất nhiều cách thức đọc tin RSS khác cũng tiện dụng không kém, tuỳ vào nhu cầu sử dụng của từng người. Do IT không phải là chuyên môn, nên kiến thức về IT của mình trong bài hướng dẫn này cũng rất là chấp vá, nếu có gì sai sót, mong được chỉ dẫn, và hi vọng có thể chia sẻ thêm những phương pháp hữu hiệu khác từ mọi người.


– Giải thích một số thuật ngữ:

+ RSS: là một tiêu chuẩn định dạng tài liệu dựa trên XML (eXtensible Markup Language) nhằm giúp người sử dụng dễ dàng cập nhật và tra cứu thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất bằng cách tóm lược thông tin vào trong một đoạn dữ liệu ngắn gọn, hợp chuẩn. [1. Tham khảo]

RSS là viết tắt của:  

  • RDF Site Summary (RSS 0.9, RSS 1.0)
  • Rich Site Summary (RSS 0.91, RSS 1.0)
  • Really Simple Syndication (RSS 2.0)

Vì RSS có nhiều phiên bản và được viết tắt khác nhau, nên khi nhắc đến RSS, hầu hết người ta hiểu nó là một thuật ngữ mang nghĩa Cung cấp nội dung web (Syndication of Web Content).

Để đọc nội dung từ RSS, người ta cần một chương trình gọi là Feed Reader hoặc Feed Aggregator. Ví dụ trong bài hướng dẫn này, mình sẽ hướng dẫn các bạn một số chương trình tích hợp sẵn theo Web Browser (Trình duyệt Web – Gọi tắt là Trình duyệt). [2. Tham khảo]

+ Bookmark: là một ứng dụng trong trình duyệt, dùng để quản lý và lưu giữ các đường link (liên kết) trang web ngay trong trình duyệt. Bookmark được quản lý theo dạng Folder Tree (Cây Thư mục), dễ dàng phân loại và sắp xếp theo các nhóm chủ đề khác nhau.

+ RSS Live Bookmark: thay vì lưu trữ một đường link cố định dẫn đến web, RSS Live Bookmark là một bookmark cho phép lưu trữ toàn bộ nội dung của RSS và nội dung này được cập nhật liên tục. Ví dụ như RSS của một trang báo, Bookmark sẽ hiển thị những tiêu đề của trang báo đó kèm thèo link cho mỗi tiêu đề, những tiêu đề này sẽ liên tục được cập nhật ngay khi trang báo có thêm tiêu đề tin tức mới.


– Điều kiện trước khi thực hiện:

Theo nhận định của cá nhân mình, nhìn tổng quan, trình duyệt Chrome khá là ưu việt so với những trình duyệt web khác. Chính vì lí do đó, trong bài hướng dẫn, mình sử dụng trình duyệt Chrome và khuyến nghị mọi người nên dùng nó.

+ Có tài khoản Google

  • Vào đường link http://accounts.google.com, chọn Sign up để tạo một tài khoản Google.
  • Tài khoản Google được dùng chung cho toàn bộ dịch vụ của Google: Mail, Youtube, Google+, Calendar, iGoogle, Reader, Docs…
  • Một chức năng rất quan trọng của tài khoản Google đó là dùng để đồng bộ (Sync) toàn bộ dữ liệu của trình duyệt giữa các máy tính khác nhau. Với chức năng này, bạn có thể đồng bộ hoá tất cả Bookmark, Add in, Apps, History, Cookie, Cache, Themes… có trong trình duyệt.



+ Cài đặt Chrome

  • Vào đường link http://google.com/chrome để tải và cài đặt Chrome
  • Nên chọn ngôn ngữ English, làm quen với các thuật ngữ tin học tiếng Anh sẽ giúp cho bạn sau này dễ tiếp cận hơn với các phần mềm khác.



Bước chuẩn bị
đã xong, sau đây là hai hướng dẫn thực hiện đọc tin bằng RSS mà mình thường hay dùng, bởi nó tiện lợi và dễ thực hiện.


1. Đọc tin RSS bằng Bookmarks của trình duyệt Chrome

– Bước 1: Bật Chrome lên, đăng nhập và đồng bộ Chrome với tài khoản Google. Việc đăng nhập tài khoản Google có 2 mục đích:

Thứ nhất: Đồng bộ (Sync) tất cả dữ liệu của trình duyệt (Bookmark, Add in, Apps, History, Cookie, Cache…). Với dữ liệu đã đồng bộ hoá này, bạn có thể mang chúng đến bất kỳ máy tính nào khác sử dụng trình duyệt Chrome, phù hợp cho những người thường xuyên dùng nhiều máy tính mà vẫn muốn có trình duyệt y như trên máy tính chính của mình.

Thứ hai: Phải đăng nhập tài khoản Google thì mới có thể cài đặt Add in cho Chrome.



– Bước 2:
Cài đặt Add in Foxish Live RSS (<= Bấm vào link): Chrome có một kho ứng dụng (Apps) gọi là Chrome Web Store với nhiều Apps, Games, Themes, Add in… Trong những Add in hỗ trợ RSS Live Bookmark, mình đánh giá Foxish Live RSS là tốt nhất, nên khuyến nghị mọi người sử dụng.



– Bước 3:
Vào các website tin tức, blog…  mà bạn muốn theo dõi tin tức để tìm đường link cung cấp RSS. Hầu hết các trang tin tức đều có hỗ trợ RSS, bạn cố gắng tìm biểu tượng , có thể nằm ở đầu trang, hoặc cuối trang. Ví dụ trong hình là website của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Và cũng có rất nhiều trang tin tức không hỗ trợ RSS, một thiếu sót vô cùng quan trọng. Gặp phải những trang web này thì đành bó tay!!!


Ở một số trang web, Foxish Live RSS có thể tự động tìm thấy nội dung RSS của trang và hiển thị biểu tượng của nó ở thanh địa chỉ (Address bar). Bạn chỉ cần bấm vào biểu tượng này để tạo RSS Live Bookmark, không cần phải tìm biểu tượng . Ví dụ dưới đây là của trang cnn.com.



– Bước 4:
Các trang báo hầu hết đều cung cấp RSS theo từng chuyên mục: Tin mới nhất, tin nóng nhất, tin theo chủ đề (Kinh tế, Tài chính, Văn hoá, Xã hội, Pháp luật…). Bấm chuột vào chuyên mục mà bạn cần theo dõi RSS.



– Bước 5:
Sau khi bấm chọn vào chuyên mục bạn cần RSS, trình duyệt sẽ chuyển bạn sang trang tuỳ chỉnh của Foxish Live RSS. Bạn có thể tuỳ chỉnh: tên RSS Live Bookmark (Feed name), Folder lưu Bookmark (Parent Folder), Số lượng dòng tin hiển thị tối đa (Max Feed Items).


– Bước 6:
Sau đây là kết quả thực hiện tạo RSS Live Bookmark ở một số trang tin tức và blog. Chúc các bạn thành công! ;)



2. Đọc RSS bằng iGoogle

Mình thích sử dụng cách đọc tin tức này nhất, vì các tiện lợi sau:

  • Nội dung RSS được bố trí thành những ô vuông Gadget trên màn hình, quan sát được bao quát và ngoài RSS Gadget ra, người dùng còn có thể sử dụng thêm các Gadget khác như Weather, Stock, Mail,…
  • Có thể đăng nhập iGoogle ở bất kỳ máy tính nào, bất kỳ trình duyệt nào (Miễn là bạn có thể đảm bảo mật khẩu của mình an toàn).


– Một số thuật ngữ:

+ iGoogle: là trang chủ Google được cá nhân hoá. Trong đó, nội dung trên trang iGoogle bao gồm: Google Search Box (ở trên), Google Chat (bên trái), các Gadget (ở trung tâm và bên phải), Background Image (ảnh nền)… Người dùng có thể tuỳ chỉnh số lượng, loại Gadget, Background Image theo ý thích của mình. Gadget hiển thị nội dung RSS là loại mà chúng ta sẽ sử dụng để cho mục đích của bài hướng dẫn này. [3. Tham khảo]

+ Gadget: các tiện ích chèn vào trang iGoogle theo nhu cầu người sử dụng.


Thực hiện:

– Bước 1: Thực hiện như Bước 1 ở trên.

– Bước 2: Cài đặt Add in RSS Subscription Extension (by Google) (<= Bấm vào link):



– Bước 3 & Bước 4:
Thực hiện như Bước 3 & 4 ở trên.

– Bước 5: Sau khi bấm chọn vào chuyên mục bạn cần RSS, trình duyệt sẽ chuyển bạn sang trang tuỳ chỉnh của RSS Subscription Extension (by Google) như trong hình. Lưu ý là ở bước này, nếu trình duyệt của bạn hiện đang có thêm những Add in hỗ trợ RSS khác thì các Add in khác cũng cùng được kích hoạt khi bạn bấm vào đường link RSS. Ví dụ trong hình, Add in Foxish Live RSS cũng được kích hoạt (tab bên trái của tab hiện tại). Bạn chỉ cần tắt những Add in không cần dùng.



– Bước 6:
Sau khi bấm vào nút Add RSS vào iGoogle, trang hiển thị sẽ chuyển đến trang iGoogle. Tại đây, bạn có thể tuỳ chỉnh, sắp xếp các Gadget theo ý mình. Chọn nút Settings để tuỳ chỉnh Gadget. Bấm vào tiêu đề Gadget rồi kéo thả vị trí mong muốn để sắp xếp. Hình dưới đây là kết quả sau cùng. Chúc các bạn thành công! ;)




Một số gợi ý:

– Có thể sử dụng kết hợp và song song cả 2 cách trên.
– Các Bookmark có thể được tuỳ chỉnh, Import & Export, Backup & Restore một cách dễ dàng. Chọn Setting (Biểu tượng cờ-lê)->Bookmarks->Bookmark manager.
– Phương pháp đọc tin bằng Bookmark, có thể áp dụng tương tự cho trình duyệt Firefox và Internet Explorer (IE). Bookmark trong IE được gọi là Favorites.
– Một số trang web không hỗ trợ RSS, trường hợp này thì không làm gì được.


Tham khảo:

[1] http://www.ngohaibac.net/cach-doc-tin-bang-rss-la-gi/
[2] http://www.webopedia.com/TERM/R/RSS.html
[3] http://support.google.com/websearch/bin/answer.py?hl=en&answer=20324


Liên hệ:
rất mong nhận được sự chia sẻ từ mọi người

Nguyễn Việt Thắng
nguyenvietthang0@gmail.com
www.imhotecseja.worpress.com

Vài nhận định về Nghị định 24/2012/NĐ-CP Quản lý hoạt động kinh doanh vàng


Đọc nghị định 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tóm tắt mấy điểm đáng chú ý sau:

– NHNN sẽ là cơ quan quản lý thống nhất các hoạt động kinh doanh vàng. Trừ hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của các DN khai thác vàng. => Trước đây việc quản lý vàng gặp nhiều bất cập là do không có quy định rõ ràng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Giờ thì đã có quy định rõ ràng.

– Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. => Suy ra NHNN được độc quyền cái độc quyền này.

– Hoạt động kinh doanh vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép. => Ngành kinh doanh có điều kiệu.

– Điều kiện kinh doanh vàng miếng đối với DN:
+ Vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
+ Ít nhất 2 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
+ Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liền tiếp gần nhất.
+ Có chi nhánh, địa điểm bán hàng tại 3 tỉnh, thành phố trực thuộc TW trở lên.
=> Theo những điều kiện này, thì DN mới muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vàng miếng thì gặp phải một trở ngại lớn là mất ít nhất 2 năm cho hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ với số thuế phải nộp tối thiếu 500 triệu đồng/năm. Còn không thì phải mua lại một DN kinh doanh vàng miếng đang hoạt động.

– Điều kiện kinh doanh vàng miếng đối với TCTD:
+ Vốn điều lệ từ 3000 tỷ đồng.
+ Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
+ Có mạng lưới chi nhánh từ 5 tỉnh, thành phố thuộc TW.
=> Những TCTD nào vốn trên 3000 tỷ thì xem như được kinh doanh vàng miếng.

– Người VN và nước ngoài khi xuất, nhập cảnh được mang theo vàng theo quy định của NHNN. => Quy định cụ thể thì chưa có, chờ NHNN ra Quyết định hay Thông tư.

– NHNN được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

– Cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. => Người dân hay có thói quen tính giá BĐS theo vàng. Nói miệng thì không sao, nhưng nếu ghi vào hợp đồng mua bán thì được xem là vi phạm pháp luật.

– Trong nghị định có đề cập tới hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. => Có khả năng sẽ cho phép hình thức kinh doanh này hoạt động trở lại.

Kết luận:
– Qua những quy định này, cho thấy thị trường vàng sẽ được quản lý chặt chẽ và thống nhất hơn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vàng hiện tại. Theo ý kiến tác giả bài viết thì Nghị định này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho thị trường.

– Một số DN sẽ hưởng lợi nhiều hơn, một số sẽ gặp bất lợi. Cụ thể như việc sản xuất vàng miếng sẽ tập trung về một DN (TNHH MTV do Nhà nước sở hữu), dưới sự quản lý của NHNN. Những DN sản xuất vàng miếng khác sẽ mất nguồn lợi từ hoạt động này. Cùng với đó là quy định về điều kiện kinh doanh vàng miếng cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

– Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản được đề cập, nhưng không có bất kỳ quy định nào nhắc đến chi tiết hơn. Kỳ vọng NHNN sẽ tính đến việc sớm mở lại hoạt động kinh doanh này.

Tải về Nghị định 24/2012/NĐ-CP

Nếu mai này anh… chết?


Bánh xe luân hồi

Nếu mai này anh chết
Xin để anh ra đi trong thầm lặng
Giây phút cuối cuộc đời
Anh muốn yên bình giấc ngủ em ơi!

Nếu có lòng em tổ chức đám ma
Xin em đừng xa hoa kèn trống
Vì anh sống đã chắc gì có ích
Chết tưng bừng phiền lối xóm bà con.

Anh còn trẻ nên chưa định chết
Nói cho vui vì tức cảnh sinh tình
Sáng đi đường gặp chình ình đám rước
Bu đầy đường gây ách tắc giao thông.

Imhotec SeJa
TP. HCM 14/03/2012.

Chuyên mục:View

Nguyệt thực 10/12/2011


Nguyệt thực 10/12/2011
TP. Hồ Chí Minh
Nghiệp dư ^^

[BBC] The life of the Buddha (Cuộc đời Đức Phật)


Phim tài liệu:

– Tựa đề: The life of the Buddha (Tạm dịch: Cuộc đời Đức Phật)
– Sản xuất: BBC
– Độ dài: 00:49:58
– Phụ đề: tiếng Việt
– Nguồn: Youtube (Đăng bởi namcungkiem)

[BBC] Jesus – The real story (Cuộc đời Chúa Jesus)


Phim tài liệu:

– Tựa đề: Jesus – The real story (Tạm dịch: Cuộc đời Chúa Jesus)
– Sản xuất: BBC
– Nội dung: 3 phần

Phần 1: The early years
Phần 2: The mission
Phần 3: The last days

– Độ dài: 2:27:09
– Phụ đề: tiếng Việt (HTT Group dịch)
– Nguồn: Youtube (Đăng bởi kiengia261. Playlist tạo bởi ImhotecSeJa)

Xem toàn bộ Playlist

Tiền bạc và tu hành


Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ.

Vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc mỗi một miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác. Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột.

Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo. Một tín đồ thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo.

Tu sĩ vui vẻ nhận con bò nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ lại phải đi xin rơm về nuôi bò. Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò.

Tu sĩ ra công cày cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ. Miếng đất thật màu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người làm đến giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nảy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.

Tu sĩ có nhiều hoa lợi bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông, đúc tượng thật vĩ đại, nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.

Một hôm, sư phụ trở về không thấy túp lều đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.

Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời, “thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách khố hoài. Để bảo vệ cái khố con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to lớn, đúc tượng, đúc chuông thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận”.

Sư phụ thở dài, “xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc và các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được?”

Trích “Hành trình về Phương Đông” – B.T. Spalding

P/S: Chắc phải đi tu, biết đâu may mắn giàu có như tu sĩ này :)