Stop Loss hay Cut Loss


Hôm rồi có dịp đi dự cuộc hội thảo, được nghe một quan chức cấp vụ trưởng dùng từ “cut loss”. Làm mình nhớ có lần, một anh bạn đồng nghiệp cũng dùng từ này khi nói về việc “cắt lỗ” trong một status trên FB, mình vào comment bảo rằng trong thuật ngữ tiếng Anh ngành tài chính, chẳng có từ nào là “cut loss” cả. Tranh cãi qua lại vài comment, mình đưa ra một số trang web từ điển tin cậy làm bằng chứng. Xong sau đó anh bạn xoá comment và unfriend mình luôn. Bó tay!

Từ hồi học về đầu tư tài chính, mình đọc tài liệu và sử dụng một số phần mềm quản lý đầu tư, phần mềm giao dịch ngoại hối, chứng khoán, đúng là chẳng thấy ai dùng từ “cut loss” để chỉ việc “cắt lỗ” cả. Khi họ nói “take profit”, đó có nghĩa là “chốt lời”. Còn khi họ nói “stop loss”, đó có nghĩa là cắt lỗ. “Cut loss” không có trong từ điển của ngành tài chính.

Gõ Google 2 từ “cut loss” và “stop loss” trong ngoặc kép, cũng sẽ thấy kết quả tương xứng. Để ý có 1 vài trang web, dùng từ “cut loss” với nghĩa là “cắt lỗ” thường có nguồn gốc từ những nước mà tiếng Anh ko phải là ngôn ngữ chính, như Việt Nam chẳng hạn.

Còn tra từ điển thì có thể tham khảo ở đây:
http://www.investopedia.com/search/default.aspx?q=stop+loss
http://oxforddictionaries.com/definition/english/stop-loss?q=stop+loss

Từ điển Oxford thì rất đáng tin cậy.

Chuyện này thực ra cũng nhỏ. Nhưng thấy ngày càng có nhiều người hiểu sai và dùng sai, thì chẳng còn thấy nhỏ nữa. Nguy hại vô cùng. Mình viết cái post này, hi vọng là sẽ giúp ích cho những ai tìm kiếm sự xác thực của 2 thuật ngữ này. :)

Có nên tắt máy xe khi đèn đỏ 25 giây?


Chạy xe ngoài đường, thỉnh thoảng thấy góc ngã tư có mấy nhóm tình nguyện quơ quơ mấy tẩm bảng với khẩu hiệu đại khái như: Đèn đỏ trên 25 giây, tắt máy xe để tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Thoạt đầu nghe cũng có lý, nhưng ngẫm lại thì dựa vào đâu (nghiên cứu nào) để có kết luận là tắt máy xe trong 25 giây rồi khởi động lại sẽ tiết kiệm xăng hơn để máy nổ ở chế độ garanti?

Theo như kiến thức về xe cộ mình biết được, thì động cơ khi khởi động sẽ tốn nhiên liệu cao hơn và xả khí thải độc hơn khi đang hoạt động bình thường. Vì khi khởi động, điện áp của bugi và độ nén của piston sẽ thấp, nên nhiên liệu không được đốt cháy hết hoàn toàn, khí thải sẽ nhiều carbon monoxide (khí CO), làm ô nhiễm môi trường hơn. Chưa kể khi khởi động, còn phải tốn thêm điện từ bộ đề và động cơ cũng mau hư hỏng hơn.

Nhờ anh bạn Google tìm kiếm một hồi cho vấn đề này, ra được vài kết quả thú vị. Người nói có, kẻ bảo không. Biết tin vào ai đây?

Các bạn trẻ tình nguyện ở ngã tư - Nguồn: Internet.

Các bạn trẻ tình nguyện ở ngã tư – Nguồn: Internet.


KHÔNG:

Anh Trần Việt Hùng, thợ kỹ thuật của hãng xe Honda Việt Nam cho biết:
“Việc khởi động lại gây thiệt hại hơn để máy nổ. Nếu xe có dung tích 150cm3 trở lên thì hãy tính tiết kiệm bằng việc tắt máy. Việc đề nổ và khởi động làm động cơ hao mòn và tốn xăng hơn chạy ở chế độ cầm chừng nên tính toán kỹ trước khi tắt máy xe. Nếu phải dừng quá 90 giây thì hãy nên tắt máy”.
http://vespalx.com/news-detail/su-dung-va-bao-duong-xe/co-nen-tat-may-xe-khi-dung-cho-den-do-313.html

CÓ:

Trên 20 giây:
PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa Hà Nội:
“Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong đã thử nghiệm để đánh giá xem trong trường hợp có tắt máy và không tắt máy, liệu nó có lợi về mặt tiêu thụ nhiên liệu và môi trường hay không. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy về mặt môi trường rất có lợi. Thậm chí chỉ 10 giây là có lợi về mặt môi trường. Tuy nhiên, khi xét về mặt tiêu thụ nhiên liệu và tiêu hao ắc quy, chúng tôi đưa ra khuyến cáo là trên 20 giây có thể tắt máy được”.

“Theo tính toán, tắt máy khi dừng xe 20 giây, mức phát thải ra môi trường sẽ giảm 20% so với khi vẫn để máy nổ”.
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/73427/co-nen-tat-may-khi-dung-den-do-.html

Trên 15 giây:
Nguyễn Thị Bảo Thoa – Cử nhân Môi trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học QG HN, Đại sứ môi trường Bayer 2011:
“Khảo sát việc đo lượng tiêu hao năng lượng, lượng khí CO, CO2, HC, Nox phát thải khi khởi động cũng như để chế độ chạy không tải 5 giây, 10 giây, 15 giây… 90 giây. Kết quả chỉ ra, nếu tắt máy 15 giây sẽ cho kết quả tiết kiệm lượng xăng khá lớn và bảo vệ môi trường sống”.
http://infonet.vn/Xa-hoi/Doi-song/Tat-may-khi-dung-den-do-tu-25-giay-bao-ve-moi-truong/18906.info

Các chuyên gia của Viện cơ khí động lực, phòng thí nghiệm động cơ đốt trong, ĐH Bách Khoa Hà Nội: (Không biết là chuyên gia nào, nhưng chung đơn vị với PGS. TS Lê Anh Tuấn ở trường hợp Trên 20 giây)
“Theo điều tra, dòng xe phổ biến tại Hà Nội hiện nay là Wave Honda bao gồm các loại Wave 110RS, Wave 110S, Wave RSX. Vì vậy, trong nghiên cứu các chuyên gia của Viện cơ khí động lực, phòng thí nghiệm động cơ đốt trong (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã tập trung nghiên cứu trên dòng xe Wave. Kết quả cho thấy khi tắt máy ở 15 giây thì lượng CO giảm 2,3 lần, lượng HC giảm 2,5 lần, lượng CO2 giảm 4 lần so với khi để chế độ chạy không tải, và lượng xăng sẽ tiết kiệm được tới 5,5 lần”.
http://infonet.vn/Xa-hoi/Doi-song/Tat-may-khi-dung-den-do-tu-25-giay-bao-ve-moi-truong/18906.info

Trên 4 giây:
Nguyễn Đức Cường và Hoàng Quang Biển, sinh viên bộ môn ôtô và xe chuyên dụng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:
“Nếu dừng xe lâu hơn 4 giây (như khi dừng đèn đỏ) thì việc tắt máy đi khởi động lại sẽ cho tính kinh tế nhiên liệu tốt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, giảm được khí thải phát ra môi trường”.

“Tính toán được áp dụng đối với mẫu xe máy Wave 110cc sử dụng chế hòa khí (được coi là tiết kiệm nhiên liệu hơn hẳn dòng xe ga). Giả sử ở Hà Nội, mỗi ngày có 10.000 lần xe máy dừng đèn đỏ với thời gian 30 giây/lần. Nếu để xe nổ máy không tải tại vị trí dừng, lượng nhiên liệu tiêu thụ sẽ vào khoảng 7,5 lít, nhưng nếu tắt máy trong thời gian 25 giây và khởi động lại thì lượng nhiên liệu tiêu thụ chỉ còn khoảng 2,25 lít. So sánh giữa hai trường hợp, nếu dừng xe tắt máy và khởi động lại sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn 5,25 lít. Ước tính trong một tháng sẽ tiết kiệm được 157,5 lít, và trong một năm sẽ tiết kiệm được 1.890 lít xăng”.
http://tuoitre.vn/Giao-duc/Khoa-hoc/523177/dung-xe-tren-4-giay-nen-tat-may.html

TỔNG KẾT:

Vậy có 1 kết quả là KHÔNG nên tắt máy xe khi dừng đèn đỏ cỡ 25 giây. Khuyến nghị này không thấy có nói là được dựa trên nghiên cứu nào.

Và 4 kết quả là NÊN tắt máy xe khi dừng đèn đỏ cỡ 25 giây. Những người đưa ra khuyến nghị này đều khẳng định kết quả có được là dựa trên nghiên cứu. Chỉ có một điều là kết quả của các nghiên cứu độc lập lại có sự chênh lệch khá lớn. Nên thật khó mà tin cậy hoàn toàn vào các kết quả nghiên cứu nói trên.

Thông tin mình đã dẫn ra, còn việc nên tắt máy xe như thế nào thì tuỳ mỗi người quyết định vậy. Riêng cá nhân mình, mỗi khi dừng xe trên tầm 20-25 giây là mình tắt máy.

MỘT SỐ LỜI KHUYÊN KHI TẮT MÁY XE LÚC ĐÈN ĐỎ:
– Sau khi tắt máy, nên trả về số 0 ngay lập tức nếu là xe số.
– Bật lại công tắc xe ngay sau khi tắt máy. Để đảm bảo rằng xe có thể khởi động ngay bất kỳ lúc nào. Đối với xe dùng công nghệ phun xăng điện tử, bật công tắc xe sớm giúp hệ thống bơm xăng được chuẩn bị sẵn. Tránh trường hợp xăng chưa kịp bơm mà đã khởi động xe, làm xe bị ngợp xăng và hỏng hệ thống phun xăng điện tử.
– Khởi động lại xe khi thời gian đèn đỏ còn lại khoảng 3-5 giây. Để đảm bảo xe khởi động tốt, không gây cản trở giao thông.
– Khi bấm nút đề, mà động cơ vẫn không nổ, chỉ nghe tiếng bộ đề quay è è kèm theo tiếng lộc cộc của kim loại thì ngay lập tức nên ngưng bấm nút đề. Cho xe nghỉ vài giây, nhích xe tới một đoạn ngắn (để đảm bảo là xe đã về số 0 nếu là xe số) để bánh răng của bộ đề khớp trở lại với bánh răng của lốc máy. Đối với xe tay ga mà không có cần đạp khởi động, việc cố gắng đề liên tục trong tình huống này có thể làm bể luôn bộ đề. Lúc đó thì xe không khởi động được nữa, chỉ có thể dắt tới tiệm sửa xe.

CHÚC MỌI NGƯỜI LÁI XE AN TOÀN – TIẾT KIỆM! :)

Tái bút: một cách giải quyết khác cho vấn đề này là mua một chiếc xe có công nghệ Idle Stop như PCX, SH, Airblade 125 FI là xong :))

Buôn chứng khoán, buôn… hi vọng


Đôi lúc rảnh rỗi ngẫm nghĩ, thấy nhiều người mua CK và mua vé số chẳng khác gì nhau mấy. Họ cùng đều mua một thứ gọi là… hi vọng. Thị trường tăng thì họ hi vọng nó tăng thêm nữa. Thị trường giảm thì họ hi vọng nó đảo chiều. Miễn còn tiền là họ còn hi vọng.

Bear paint to bull

Thời gian đầu, họ thề thốt rằng chẳng bao giờ chơi đòn bẩy. Có ít chơi ít, có nhiều chơi nhiều. Không bao giờ vay mượn để khỏi phải lâm cảnh nợ nần. Thế rồi họ cũng đặt bút ký cái hợp đồng ký quỹ. Sau khi có margin, họ cũng tự nhủ sẽ chỉ dùng 50% số nợ được vay. Nhưng rồi một ngày, họ cũng được nhận margin call.

Chơi margin mà gặp lúc thị trường ảm đạm cũng giống như ngồi uống trà đợi người yêu. Thời gian thì lặng lẽ trôi, thị trường thì chầm chậm rớt, lãi margin thì đều đặn tăng, margin call thì nhắn tới tấp. Tiền đổ vào cầm cự margin như chén trà nhâm nhi chờ đợi. Trà cạn thì lại châm. Người yêu thì chưa thấy tới, cũng như thị trường chờ hoài vẫn chẳng thấy đảo chiều. Nhưng trà trong bình thì cạn dần. Chỉ còn mỗi xác.

Ban đầu, những nhà đầu tư CK họ nuôi hi vọng bằng kiến thức, bằng sự phân tích, bằng chính cảm nhận sắc bén về thị trường của họ. Sau đó họ nuôi hi vọng bằng tiền. Bỏ tiền và chờ, rồi lại bỏ thêm tiền. Cuối cùng, họ nuôi hi vọng bằng… niềm tin. Trước tiên họ tin chuyên gia, sau có nhiều “chiên da” quá, họ tin nhà nước. Rồi họ nhận thấy rằng có nhiều nguồn tin tức đi trước cả thời đại, họ tin vào đội lái. Cùng đội lái qua nhiều chuyến “đi sóng lướt gió”, họ nhận ra rằng đôi lúc vừa leo lên tàu xong, thì thuyền trưởng lại đứng ở trên bờ và vẫy tay chúc họ ra biển đón bão bình an cùng… cá mập. Rồi một ngày, họ chẳng còn tin vào chính bản thân mình!

Còn người làm quản lý rủi ro như mình, chẳng biết nên ví giống như cái gì. Nhiều lúc, mình thấy giống như cái đồng hồ báo thức. Đến thời điểm là reng reng reng. Cảnh báo nhà đầu tư và kéo họ ra khỏi giấc mơ hi vọng. Nhưng đang mơ giấc mơ đẹp mà bị đánh thức cũng dễ làm người ta bực. Nên một số người nổi quạu, ném cái đồng hồ vô tường là chuyện thường. Sếp mình thì bảo: “Làm quản lý rủi ro, em phải là một đao phủ đối với khách hàng, là hung thần của môi giới, và là chốt chặn cho sự an toàn của cả công ty. Em phải dứt khoát và xử lý mạnh tay”. Ôi, sao sếp nói mình giống Ác thần thế không biết!

Mà thôi kệ, lỡ xấu rồi, có đóng vai ác cũng chẳng sao! Giết! >:)

2012 in review


The WordPress.com stats helper monkeys prepared a 2012 annual report for this blog.

Here’s an excerpt:

600 people reached the top of Mt. Everest in 2012. This blog got about 4,200 views in 2012. If every person who reached the top of Mt. Everest viewed this blog, it would have taken 7 years to get that many views.

Click here to see the complete report.

Chuyên mục:View

Suy ngẫm về nhà nước, người dân và lạm phát


Hôm nay nhân đọc một bài nói về trái phiếu chính phủ (TPCP), làm mình nhớ lại câu chuyện hồi nhỏ. Nhớ lúc còn nhỏ, mình thường thấy ba mẹ hay mang về mấy tờ trái phiếu kho bạc. Mà mỗi lần mang về, ba mẹ đều than phiền là cái này mua vì bắt buộc, chứ bỏ tiền mua cái thứ quỷ này, chẳng lời lóm gì bao nhiêu. Mình thắc mắc hỏi ba là tại sao nhà nước (NN) lại phát hành Trái phiếu (TrP) và bắt mình mua? Ba bảo là NN cần tiền cho ngân sách để xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện, trả lương công chức nên phát hành TrP để mượn tiền từ người dân chi trả cho các khoản đó. Mình lại hỏi tiếp là vậy cho NN mượn tiền, khi nào họ trả và mình có được lợi gì không? Thường thời hạn là 5 năm, sau 5 năm mình đem TrP đến kho bạc đổi lại tiền cộng với tiền lãi – Ba tiếp tục giải thích.

Mình ngồi nhẩm tính: một trái phiếu giá 100.000 đồng, ls 8%/năm, vậy mỗi năm được lãi 8.000 đồng, 5 năm là 40.000 đồng. Tính vừa xong, mình hỏi tiếp: vậy sau 5 năm, NN phải trả lại cho mình 100.000 đồng cộng thêm 40.000 tiền lãi đúng không ba? Ba ừ. Thế thì NN lấy đâu ra 40.000 đồng để trả lãi – mình lại tiếp tục hỏi. Ba ẵm ừ một lúc rồi nói: thì do không có tiền trả lãi, nên sau 5 năm, NN lại tiếp tục phát hành thêm trái phiếu để có tiền trả nợ và lãi trước đó, cứ tiếp tục như thế cho đến khi số tiền quá lớn, NN sẽ in tiền để trả lãi. Rồi lạm phát, mất giá và đổi tiền.

Tuổi trẻ ngây ngô, mới học lớp 4, lớp 5, nên chỉ hiểu đến thế. Mấy khái niệm lạm phát, mất giá lúc đó quá sức đối với mình.

Giờ đã học xong đại học và đi làm trong lĩnh vực tài chính chứng khoán. Nhưng bài học năm xưa về TrP ba dạy vẫn còn nguyên đó giá trị và lóc nhóc thêm những câu hỏi khác.

Thắc mắc lớn nhất từ lúc đại học tới giờ của mình là vấn đề về lạm phát. Giả sử ta có một nền kinh tế phát triển ổn định, tức là sản lượng năm sau cao hơn năm trước, suy ra tổng các hoạt động kinh tế đang tạo ra giá trị gia tăng cho toàn xã hội. Nếu cung tiền (MS) không thay đổi, thì theo phương trình cung tiền MS/P = f(Yp) của Milton Friedman (với P là giá cả hàng hoá của nền kinh tế, f(Yp) là hàm tổng sản lượng), Yp tăng thì P sẽ giảm. Tức là cùng một lượng tiền như cũ, của cải hàng hoá tăng, thì giá cả hàng hoá phải giảm.Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Thực tế cho thấy rằng, một nền kinh tế tăng trưởng luôn đi kèm theo đó là một tỉ lệ lạm phát tương ứng. Thậm chí các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay, người ta còn chấp nhận một tỉ lệ lạm phát vừa phải để kích thích tăng trưởng kinh tế.Nền kinh tế tăng trưởng và giá cả hàng hoá cũng tăng, vậy suy ra cung tiền trong nền kinh tế tăng nhanh hơn tốc độ tăng của nền kinh tế đó. Vậy thì tiền từ đâu mà ra? Do NN in thêm hay đó là quy luật của nền kinh tế, tăng trưởng luôn đi kèm lạm phát?

Tuy thắc mắc là vậy, nhưng thực ra mình nghĩ các lý thuyết kinh tế hiện nay chắc sẽ có lời giải đáp cho câu hỏi này. Tiếc là mình chưa có đủ trình độ và điều kiện để tiếp cận tới. Nên đành bỏ ngỏ, hẹn lời giải đáp trong tương lai. Nếu có thầy/bạn nào biết thì vui lòng chỉ dẫn và giải đáp giúp. Thực sự cảm kích vô cùng :)

Vấn đề thứ hai là những suy ngẫm về việc NN phát hành TrP, in tiền và lạm phát. Quay lại với câu chuyện mình kể ở trên, nếu NN cứ đều đặn hàng năm tài trợ cho thâm hụt ngân sách và đầu tư công bằng việc phát hành TrP, thì chắc chắn tổng giá trị TrP phát hành đợt sau sẽ luôn cao hơn đợt trước. Và cuối cùng, NN sẽ phải in tiền để bù đắp cho sự thiếu hụt dai dẳng đó. In thêm tiền thì sẽ tạo ra lạm phát. Lạm phát sẽ làm cho đồng tiền mất giá chung so với tất cả các của cải khác trong xã hội. Một thứ thuế vô hình đánh vào giá trị đồng tiền mà người dân tích luỹ được.

Của cải trong xã hội có thể chia ra làm 2 nhóm: của cải có sẵn trong tự nhiên (đất đai, tài nguyên thiên nhiên) và của cải hình thành từ sức lao động (vật dụng, sản phẩm, dịch vụ). Nhưng suy cho cùng, của cải tự nhiên chính là nguồn gốc của tất cả của cải trong xã hội, là thứ của cải cơ bản nhất, nhiều nhất và giá trị nhất. Và chủ thế nắm giữ nhiều của cải tự nhiên nhất trong xã hội, đó chính là NN. Nếu lạm phát xảy ra, NN sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất trong nền kinh tế! (Ý tưởng này mình biết được nhờ vào một bài viết đã đọc trên internet, nhưng chẳng nhớ từ nguồn nào).

Hoá ra nền kinh tế này là một cuộc chơi mà NN là một người chơi luôn thắng. Và người dân thì luôn là người gánh chịu hậu quả sau cùng với vai trò là người đóng thuế!

Vậy đâu là giải pháp cân bằng cho vấn đề này đối với toàn xã hội? Quả thật nan giải.

P/S: Giờ nghĩ tới câu hỏi này mình lại nghĩ tới anh Lọ. Nếu mà trả lời được, thì mình cũng bắt chước theo anh, xin nửa giải Nobel!

Suy ngẫm về cafe rang xay truyền thống VN


Mình bắt đầu uống cafe từ hồi 6-7 tuổi. Thay vì ở lứa tuổi đó người ta uống sữa, bà nội lại tập cho mình uống cafe. Rồi ghiền luôn từ đó.

coffee_baby

Hồi nhỏ quê ở miền Tây, chẳng phải là xứ sở của cafe. Cả cái thị xã, quanh đi quảnh lại cũng chỉ có 4 cửa hiệu. Chủ của 3 trong 4 hiệu cafe là anh em ruột của nhau. Hiệu cafe còn lại, chủ là một người gốc Hoa, cha ruột của 3 ông chủ kia và cũng là người đã khởi nghiệp nghề cafe rang gia truyền cho gia đình. Nói túm lại là cả gia đình nhà họ độc quyền cafe ở thị xã, nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì là ém hàng, nâng giá.

Tuy là nghề gia truyền của gia đình, nhưng nếm kỹ, vẫn thấy hương vị khác nhau từ mỗi cửa hiệu. Ông bác mình hay nói: “ông Kim Thành (người cha) không truyền hết nghề cho các con. Mỗi thằng chỉ truyền cho một độc chiêu, để sau này anh em mỗi người một hương vị, không giành giựt buôn bán với nhau. Hôm nào có thằng đi vắng thì truyền độc chiêu cho mấy thằng còn lại. Nên thằng nào siêng năng chăm chỉ thì học được nhiều, còn thằng nào lười biếng thì học ít. Mỗi thằng một kiểu, không ai hơn ai. Riêng ổng thì giữ lại vài chiêu tuyệt kỹ, để không bị qua mặt”.

capheden

Cho đến giờ, mình vấn thích uống cafe rang xay và pha phin (Filter – Đồ lọc) kiểu truyền thống của VN. Mặc dù hiện nay du nhập khá nhiều phong cách cafe ngoại quốc cũng không kém phần hấp dẫn. Nào là cafe latte, capuchino, cafe đá xay, thậm chí cafe hoà tan, đóng lon… Đủ kiểu. Nếu xét thương hiệu đàng hoàng thì hầu hết các thương hiệu cafe có tiếng đều phục vụ cafe phong cách Tây Âu. Còn cafe kiểu truyền thống VN thì chỉ có mỗi Trung Nguyên là có tên tuổi. Trong khi đó, VN luôn là nước trong nhóm đầu thế giới về xuất khẩu cafe (*).

Ở SG, ngoài Trung Nguyên ra thì vẫn có nhiều lựa chọn cafe truyền thống khác cũng ngon không kém. Nhưng để xây dựng được 1 thương hiệu tầm cỡ thì đúng là chỉ có mỗi Trung Nguyên, tính cho đến bây giờ.

Những quán cafe sân vườn thì họ chủ yếu phục vụ không gian, nên thực đơn phong phú, còn cafe thì bình thường. Những quán cafe cóc thì họ bán nước bắp, đậu nành rang và hoá chất là chủ yếu. Hiếm lắm mới tìm được một quán cafe cóc đúng chất.

Quả thật, nếu không có Trung Nguyên, người ta sẽ chẳng biết dùng thương hiệu nào đại diện khi nói về cafe rang xay pha phin truyền thống kiểu VN.

i-love-coffee

Chỉ hơi lo một điều là anh Vũ hình như có triệu chứng mắc bệnh vĩ cuồng. Còn bộ máy của Trung Nguyên cũng có nhiều vấn đề khi liên tục mắc phải những sai lầm về truyền thông và marketing. Mong rằng họ sẽ ko đánh mất chính mình, để những người đam mê cafe truyền thống kiểu VN còn có một thương hiệu để lựa chọn và tự hào.

———-
(*) http://vov.vn/Kinh-te/Viet-Nam-tro-thanh-nuoc-xuat-khau-ca-phe-lon-nhat-the-gioi/219913.vov

Thủ thuật tin học #2: Cách quản lý folder và file trên máy tính


large-Database-Optimization-icon

Bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân về việc quản lý folder và file trên máy tính:

(Lưu ý: để bài viết ngắn gọn, toàn bộ nội dung dưới đây mình chỉ dùng mỗi từ file để nói chung về folder và file)

1.  Không đặt tên file bằng tiếng Việt có dấu. Những ký tự tiêu chuẩn của máy tính không có dấu tiếng Việt. Do đó, những từ có dấu chỉ hiển thị trên giao diện người dùng cao cấp. Còn ở cấu trúc nền tảng của hệ điều hành, máy tính sẽ mã hoá các dấu tiếng Việt thành những ký tự tiêu chuẩn, khi có sự cố về virus, hỏng thiết bị lưu trữ, việc tìm kiếm và khôi phục file sẽ rất khó khăn.

VD: Bên dưới là dòng mô tả thư mục trong chế độ MS-DOS. Thư mục tên “Nguyễn Việt Thắng” đã bị đổi thành “Nguy?n Vi?t Th?ng”

d:\Down-Up load\aaa>dir
Directory of d:\Down-Up load\aaa
Financial Econometrics
Fullbright – Tham dinh du an
KJ Pirate Activator
Nguy?n Vi?t Th?ng
Windows 8-Pro-Final crack
0 File(s)   0 bytes    5 Dir(s)  43,932,569,600 bytes free

2. Không viết tắt tên file quá tối giản kiểu “TDNH.docx”. Dữ liệu trong máy tính của bạn sẽ ngày càng nhiều đến mức bạn chẳng nhớ đã từng lưu cái gì. Viết tắt sẽ gây khó khăn khi tìm kiếm.

3. Không lưu trữ dữ liệu cá nhân ở ổ đĩa hệ thống (ổ C). Ổ đĩa hệ thống chỉ dành lưu trữ những file vận hành hệ thống. Khi máy tính gặp sự cố, cần cài đặt lại hệ điều hành hoặc format lại ổ C, bạn sẽ không bị mất dữ liệu cá nhân của mình.

4. Nên sắp xếp và phân loại dữ liệu một cách có trật tự ngay từ đầu. Đừng bao giờ có suy nghĩ “Lưu tạm đây trước, bữa nào rảnh sắp xếp lại sau”. Sẽ chẳng có bữa nào rảnh sau này cả. Dữ liệu sẽ ngày càng nhiều, lộn xộn như bãi rác mà thôi.

Bạn nên phân chia 1 ổ cứng vật lý ra làm nhiều partition (ổ đĩa hiển thị trong hệ điều hành). Ổ cứng 250GB thì nên chia 3 partitions (hoặc nhiều hơn tuỳ nhu cầu).

Cách sắp xếp và phân loại dữ liệu thì tuỳ vào mục đích của người sử dụng. Máy tính dùng giải trí khác, máy tính dùng công việc khác. Như máy của mình, vừa giải trí, vừa công việc, dung lượng ổ cứng 160GB. Mình chia 40GB cho ổ C, còn lại 120GB cho ổ D. Trong ổ D có các thư mục:

Data: Công việc, học tập.
Down-Up load: Dữ liệu mới chép về, chưa phân loại, file linh tinh dạng xxx (xem xong xoá).
Mobile phone: Dữ liệu liên quan các phần mềm, ứng dụng dành cho điện thoại.
Music: Âm nhạc.
Pictures: Hình ảnh.
Softwares: Phần mềm: Applications, Internet, Media, Security, Game.
Videos: Videos, movies.

Bên trong mỗi thư mục cơ bản ở trên có hàng trăm thư mục con chia làm nhiều cấp được phân loại tiếp tục. Điều quan trọng là người dùng phải tự đưa ra một cấu trúc phân loại thống nhất cho toàn bộ dữ liệu. Khi cần sẽ tìm rất nhanh.

5. Đặt tên file có thời gian theo cấu trúc [Tên file]_[yyyy][mm][dd]_[hh][mm]. Mặc dù hệ điều hành có chức năng sắp xếp thứ tự file theo các trường Tên file, Ngày giờ, định dạng… Nhưng việc đặt tên file có ngày giờ vẫn cần thiết trong một số trường hợp và nên sắp xếp thứ tự ngày giờ theo chiều từ lớn tới nhỏ. Vì khi bạn sắp xếp tên file theo trật tự Alphabet tăng dần, thì ngày giờ trong tên file cũng sẽ theo thứ tự tăng dần.

VD:

Trường hợp 1: (Không hiệu quả)

Đặt tên file theo kiểu [Tên]_[dd][mm][yyyy]:
Report_30112012.xls và Report_04122012.xls

Khi sắp xếp theo tăng dần ta có thứ tự:

Report_04122012.xls
Report_30112012.xls

 

Trường hợp 2: (hiệu quả)

Đặt tên file theo kiểu [Tên]_[yyyy][mm][dd]:
Report_20121130.xls và Report_20121204.xls

Khi sắp xếp theo tăng dần ta có thứ tự:

Report_20121130.xls
Report_20121204.xls

 

6. Đặt tên file văn bản pháp luật. Dùng ký hiệu của văn bản pháp luật làm tên file nhưng có thay đổi theo cấu trúc:

[Cơ quan ban hành]_[Loại văn bản]_ [Năm]_[Số hiệu] – [Tên tóm tắt nội dung]

VD:

BTC QD 2007 27 – Quy che hoat dong CTCK.doc
BTC QD 2007 35 – Quy che hoat dong CT QLQ.doc
BTC QD 2007 87 – Quy che dang ky luu ky thanh toan bu tru.doc
CP ND 2010 85 – Quy dinh xu phat trong TTCK.doc
QH12 2010 62 – Sua doi Luat CK 70-2006-QH11.doc

 

P/S: Tạm thời viết bấy nhiêu, bữa sau nhớ thêm viết tiếp ^^

Long mạch và huyết mạch


Cổ nhân có nói, vạn vật trong Vũ trụ đều có mối tương quan. Và cơ thể con người là một kỳ quan độc nhất vô nhị của Vũ trụ. Nắm bắt được quy luật của Vũ trụ, tất sẽ đoán biết được vận mệnh con người. Thấu hiểu được nội tại con người, là thông tuệ được vạn vật.

Khoa học phương Tây đã đi tìm kiếm chân lý này suốt mấy ngàn năm qua, nhưng cứ mải mê chạy theo các sự vật, hiện tượng, rồi nghĩ ra biết bao công cụ phục vụ cho việc đo đạc, tính toán; cố gắng lý giải vạn vật từ cái vĩ mô cho đến cái vi mô. Nhưng lại quên mất chính bản thân con người là sự kết tinh của Vũ trụ.

Ngược lại, khoa học phương Đông đã nhận ra chân lý này từ sớm. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, các học giả phương Đông đã tìm kiếm lời giải đáp cho Vũ trụ ngay từ bên trong bản thân của chính mình. Thông tuệ vạn vật ngay từ trong bản ngã.

Nhớ lại cách đây cũng đã lâu, tầm khoản 3-4… tuần về trước, tại hạ có buổi đàm đạo với một vị cao nhân hiệu Tú Bựa, tự Bụ Tán, tên Hoang Tu trong một buổi trưa hè mây đen quần vũ mà nắng gắt chói chan. Cao nhân có chỉ dạy, cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, đất có long mạch, người có huyết mạch. Long mạch là đường dẫn và hội tụ linh khí của trời đất, huyết mạch là đường lưu thông của khí huyết trong cơ thể. Nên có thể vận dụng quy luật càn khôn mà áp dụng vào cơ thể con người, thay đổi đường đi của khí huyết, là có thể thay đổi được số mệnh.

Vừa nói dứt câu, cao nhân chỉ cười một tiếng, mà thoắt cái đã phóng lên con Nouvo LX, khuất bóng ngã tư, bỏ lại đằng sau cảnh giao thông hỗn loạn, chúng sanh chen chúc trong cõi lầm than…

Kể từ khi cao nhân khuất bóng cho đến lúc tại hạ kịp định thần lại, thì không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, nhưng tâm trí lúc đó vẫn hỗn mang lắm, bởi câu nói chỉ điểm của cao nhân vẫn còn quanh quẩn trong đầu mà chưa ngộ được thần ý. Bỗng trong phút chốc, cảnh giới giác ngộ đã loé lên trong suy nghĩ của tại hạ. Cảm giác tỉnh ngộ như người vừa từ trong hầm xí bước ra, nhẹ nhàng, sảng khoái, phấn khích mà cũng vả chút mồ hôi vì có đôi phần hao tổn nguyên khí.. Một sự an lạc khôn cùng, khó mà diễn tả hết thành lời.

Mà ngẫm cũng đúng. Chuyện tư duy nó giống như là đi đại tiện. Một cơn rặn phải được liền mạch như khi tư duy. Nếu đang tư duy mà bị ngắt quãng, giống như cơn rặn chưa thành mà bị dừng đột ngột. Lúc đó phải rặn lại từ đầu, ắt sẽ tốn nhiều sức lực. Một đôi lần thì không sao, nhưng lâu ngày dài tháng, nhẹ thì có thể trĩ nội trĩ ngoại, nặng thì xuất huyết hậu môn mà chết. Cũng như tu tập nội quán, nếu nghĩ không thông dẫn đến tẩu hoả nhập ma, nhẹ thì nửa điên nửa tỉnh, nặng thì xuất huyết não mà chết. Thật tác hại khôn lường. Nguy hiểm như nhau.

Mà tạm gác lai chuyện tư duy đại tiện, dịp khác sẽ bàn tiếp, tại hạ xin quay lại câu chuyện của vị cao nhân.

Sau khi đã qua trạng thái tỉnh ngộ, tại hạ ngồi ngẫm lại bản thân. Mới thấy vận mệnh mình lận đận bao năm qua, ắt do bởi huyết khí rối loạn, thể nào trong cơ thể cũng có yếu tố nào đó không bình thường. Sực nhớ có cái răng cửa bị mẻ bỏ mặc mấy năm qua.

Miệng là khẩu, mà khẩu là cửa ngỏ, là yếu huyệt cực quan trọng của con người. Mọi nguồn năng lượng dưới dạng dinh dưỡng thực phẩm đều phải qua miệng. Chính bởi thể nên nơi miệng tập trung khá nhiều huyết mạch, từ các huyết mạch toả ra ngoài thông qua các chân răng, nên có thể nói răng là nơi hội tụ của khí huyết. Răng tạo ra sức mạnh cho việc xử lý thực phẩm trước khi vào dạ dày, một động tác nhai sử dụng 80% cơ mặt, hết thẩy sức mạnh vùng mặt đã được dồn vào răng. Răng còn là vũ khí tự vệ bẩm sinh cực kỳ nguy hiểm của con người, một nhát cắn với hàm răng không được vệ sinh trong 1 tuần có thể gây tử vong cho đối phương sau 1 thời gian bị nhiễm trùng.

Chính bởi nhờ lời cao nhân chỉ bảo, nên hôm nay tại hạ mới đi trồng lại răng. Công đoạn trồng răng cũng đã được một nửa chặng đường. Hiện tại đang lắp tạm răng nhựa, chờ răng sứ đúc xong. Thế mà chẳng may hôm nay ngồi gặm bánh mì làm mẻ cái răng nhựa tạm. Tức cảnh sinh tình, ngồi đôi phút mà chém ra được cả… vũ trụ càn khôn! Chắc một phần cũng do bởi huyết mạch đã được nối lại, khí huyết lưu thông, nên đầu óc nó thông tuệ thêm đôi phần. Âu cũng là nhờ ơn cao nhân chỉ dạy./.

Tên huý, tên tự và tên hiệu của cổ nhân


Coi phim Thuỷ Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa, thấy bậc nho sĩ, tao nhân mặc khách, giang hồ hảo hán ngày xưa hay có vụ ngoài tên huý do cha mẹ, ông bà đặt lúc mới sinh, còn có tên tự và tên hiệu. [1]

Tên tự thì thường khi đủ 20 tuổi, được coi là trưởng thành, có thể tự thân lập nghiệp sẽ do ông bà, cha mẹ hoặc tự mình đặt. Tên tự được sử dụng song song với tên huý. Ý nghĩa của việc đặt tên tự là quan niệm người đã trưởng thành, có thể thành gia lập thất, có con cái, nên không thể dùng tên huý để gọi nữa, mà phải dùng tên tự, biểu thị sự kính nể. Tên tự thường có ý nghĩa liên quan đến tên huý để bổ nghĩa.

Ngoài tên tự ra, một người khi đã thành danh, có tên tuổi, uy tín trong xã hội, người ta còn tự đặt cho mình tên hiệu. Mục đích của việc đặt tên hiệu là để gửi gắm quan điểm, tư tưởng, chí hướng, hoài bão của người đó vào biệt hiệu của mình. Tên hiệu, ngoài việc do mình tự đặt ra, còn có tên hiệu do giang hồ đặt, gọi là ngoại hiệu.

Ví dụ: [2]
Ở Trung Quốc:
– Khổng Khâu, tự Trọng Ni, hiệu Khổng Phu Tử (hay Khổng Tử).
– Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngoạ Long tiên sinh.
– Bàng Thống, tự Sỹ Nguyên, hiệu Phượng Sồ: hồi trước có người khen mình giống Bàng Thống trong Tam Quốc Chí, mình tưởng họ có ý khen mình tài. Sau này coi Tam Quốc Chí mới biết ý của họ là nói mình dung mạo xấu xí nhưng được cái liều giống Bàng Thống.
– Hô Bảo Nghĩa, Cập Thời Vũ, Tống Giang, Tống Công Minh: ông này thì tên là Tống Giang, nhưng nhiều danh xưng quá, chẳng biết cái nào là tự, cái nào là hiệu.

Ở Việt Nam:
– Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, về sau theo họ vua là họ Lý, nên thường được gọi là Lý Thường Kiệt. Được vua Lý Nhân Tông ban cho hiệu Thiên tử nghĩa đệ.
– Chu Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều ẩn và Khang Tiết Tiên sinh.
– Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ.
– Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, tự Miễn Chi, hiệu Quế Sơn, về sau đỗ Tam Nguyên nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. (Yên Đổ là nơi ông sống và mất sau khi cáo quan).

Thấy vụ đặt tên tự và tên hiệu này cũng hay hay, giống như kiểu nickname bây giờ. Nhưng nickname thì nhiều lúc khó đọc, hoặc không đọc được vì dùng ký hiệu và viết không theo cấu trúc ngữ pháp. Còn tên tự và tên hiệu, nếu đặt theo chữ Hán Việt, thì lại có nghĩa, mà đọc cũng thấy thú vị.

Đang lúc rảnh rỗi, nên cũng tự nghĩ ra một cái tên tự và tên hiệu, đọc cho vui vui:
– Nguyễn Việt Thắng, tự Nguyễn Áp Tử (Áp là con vịt), hiệu Linh Cầm Thú (Cầm là gia cầm, Thú là loài thú, Linh là tâm linh, có nghĩa là Thú mỏ vịt có siêu năng lực). Tật hay nói chuyện nhảm, nên giang hồ có thể gọi là Nhảm Phong, Linh Cầm Thú, Nguyễn Áp Tử. Gọi ngắn gọn là Con Vịt!!! ^^

Chú thích
[1] Khái niệm tên huý, tên tự và tên hiệu được tham khảo tại đây:
http://vanhoanghean.com.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/3515-tim-hieu-ve-danh-tu-hieu-cua-nguoi-xua.html
[2] Ví dụ tham khảo từ wikipedia.org

Vịt lạm bàn về người Việt


Mấy tuần nay, có việc phải bôn ba đi lại nhiều nơi, chủ yếu là di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, nên phải lăn lê bò lết ở các bến bãi, nhà chờ, quán ăn, hàng xá… Quan sát dân tình thế thái, chứng kiến biết bao cảnh chướng tai gai mắt, cũng có đôi chút ức chế trong lòng, lúc đầu định viết ra vài dòng nhưng nghĩ thôi đời nó thế, tập sống vô vi, gạt bỏ thị phi, để lòng mình an nhẹ, nên không viết.

Vô tình tối nay lượn lờ Facebook, thấy thằng bạn treo link kèm theo status: “Vẻ đẹp và con người Đồng Tháp như loài hoa sen vậy!”.

Đọc xong dòng này mà nộ khí xung thiên, buột miệng thốt lên rằng: Đéo mẹ! Cả cái dân tộc Việt Nam này đi đâu hầu như cũng toàn gặp cái lũ kém văn hoá, hung hăn và thiếu tử tế, cái loại đẹp như hoa sen thì gần như đã tiệt chủng cả rồi, đâu mà còn nữa!!!

Rào trước: đọc tới đoạn trên, thể nào bà con cũng chửi em là phiến diện, miệng chửi thề mà đi phê bình người khác kém văn hoá, nên em cũng xin rào trước vài điều. (1) Em chỉ nói là hầu hết dân Việt Nam, chứ không nói là tất cả, xã hội này cũng còn khá nhiều người tử tế, nhưng tiếc là quá ít! (2) Em cũng đéo phải là thằng có văn hoá, thiện nam tín nữ gì cả, 9 tuổi em đã biết chửi thề, 12 tuổi em đã biết nhậu, 14 tuổi em đã biết hút thuốc… tuổi thơ lăn lộn, chẳng có gì hay ho nên thôi không kể nhiều. Chỉ tóm gọn em chẳng phải là người tốt hay tử tế, chỉ là người ngay thẳng, thích gì nói đó, nên bà con khỏi mắc công chửi em là đạo đức giả! ^^

Thôi thì đêm tối rảnh rỗi, sẵn viết vài dòng coi như ôn lại môn ngữ văn, để tiếng Vịt không bị mai một!

Tính đến cái Thu rồi là em tròn 24 tuổi, xem ra cũng được phần ba tuổi đời, mà nhìn lại sau lưng thì chẳng ra cái ôn gì. Em vốn thích bay nhảy, nên từ nhỏ đã bôn ba nhiều nơi. Cũng đã lê lết được 1/2 cái nước Việt Nam, riêng ngoài Bắc thì chỉ được vọt máy bay ra Hà Lội rồi vọt về, nên cũng chưa có nhiều trải nghiệm, nhưng chí ít cũng biết được ngoài Hà Lội người ta cũng ăn, ngủ và sống như trong Sài Gòn.

Còn về hải ngoại, chưa có dịp nào để đi xa cho biết, nhưng có một dạo, sáng nào ngủ dậy em cũng bước qua biên giới đái một phát rồi về lại Việt Nam oánh răng rửa mặt. Có thể gọi là bôn ba địa ngoại xả nước cứu thân!!!

Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều loại người, từ TW đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ giàu đến nghèo, từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến những thập nhiên đầu của thiên niên kỷ Thứ ba, cho đến bây giờ, em rút ra được một vài điều về con người Việt Nam: hầu hết người Việt Nam thiếu văn hoá, ý thức xã hội kém, hung hăn, thiếu tử tế khi giao tiếp, bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Những tính xấu kể trên của người Việt Nam có thể biểu hiện khác nhau, thay đổi cường độ ít nhiều tuỳ vùng miền, tầng lớp, địa vị xã hội, nhưng tụ chung lại vẫn là những tính cách chung nhất mà em nhận thấy ở người Việt Nam, chẳng nhìn đâu ra được một đức tính tốt ở số đông. Mặc dù xét về cá biệt, vẫn có khá nhiều người Việt Nam tử tế, nhưng tiếc họ không phải là số đông của xã hội.

Khi nói ra mấy điều này, chắc hẳn sẽ có nhiều người phản bác lại, bảo rằng em chủ quan, phiến diện, chỉ nhìn thấy một mặt rồi vội vàng quy chụp. Xin nói luôn là em không phải nhà xã hội học, nên cũng không dám tranh luận nhiều với bà con, em chỉ nói ra cảm nghĩ của mình, nhưng bà con nào có ý kiến, em cũng vui lòng trao đổi hoà nhã vì tính em thích kết giao bằng hữu, trao dồi kiến thức, chia sẻ quan điểm. Còn nếu bà con nào cảm thấy những lời nhận định ở trên của e là không đúng, thì xin thử trải nghiệm một số việc sau đây:

1. Thứ nhất là em nói người Việt Nam thiếu văn hoá và ý thức xã hôi kém, cái này thì quá dễ chứng minh. Ở khắp Việt Nam, đi đâu cũng thấy bảng “CẤM ĐÁI BẬY”, nó xuất hiện nhiều tới mức mà người ta chế ra cả truyện cười về cái “Vịnh Cam Dai”, hay gọi đó là căn bệnh “Đái đường” kinh niên của người Việt.

Em nhớ có ai đó nói thế này: “Hãy cho tôi xem nhà vệ sinh của ai đó, tôi sẽ biết được chủ nhà là người như thế nào!”. Ở Việt Nam thì nhà vệ sinh nó ở khắp mọi nơi, bờ tường, bụi cây, cột điện… Vào nhà vệ sinh của cá nhân thì còn sạch sẽ, ngán nhất là đi mấy cái nhà vệ sinh công cộng, phải nói là không đâu dơ bằng. Mấy chỗ nhà xe bến bãi thì không nói, ngay cả những chỗ lịch sự như cao ốc văn phòng, hay như cái nhà vệ sinh ở cty em làm nó cũng dơ không kém ngay sau khi có người sử dụng (mấy chỗ này đỡ 1 cái là khi có người dọn dẹp rồi thì nó sạch trở lại).

Nói về thiếu văn hoá và ý thức xã hội kém thì còn khá nhiều vấn đề khác để ví dụ như đi ăn buffer, xếp hàng, lễ hội, hàng phát miễn phí,v.v…, nhưng văn dở thì không nên viết dài, nên em chỉ kể sơ về việc vệ sinh của người Việt, vì chuyện vệ sinh là chuyện tế nhị và tối cần thiết nhất đối với con người, ngay cả chuyện vệ sinh mà còn thiếu ý thức thì chẳng còn cái gì khác tốt hơn.

2. Thứ hai là em nói về sự hung hăn. Chạy xe ngoài đường, nhỡ có qua vẹt nhau, câu đầu tiên người Việt hỏi nhau không phải là “có sao không?” mà là “chạy kiểu gì vậy, #$%^&?!!!”. Dừng đèn vàng gây cản trở người phía sau cũng có thể bị chửi, hoặc là đèn bật xanh rồi mà chưa chịu chạy liền, thậm chí còn vài giây mới tới đèn xanh thì đã nghe tiếng kèn inh ỏi phía sau. Người Việt Nam thường có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng chửi bới và bạo lực, ít có ai chịu nhường ai, nếu nhỡ cả 2 cùng cương thì thường là cương cho tới cùng. Báo chí dạo này liên tục đăng những bài về bạo lực, từ học đường cho tới chuyện người lớn, trong nhà ra tới ngoài thôn, trộm chó cho tới trộm vàng. Sự hung hăn của xã hội ngày càng gia tăng. Bà con nào không tin thì cứ thử mấy cái em vừa kể, nhỡ có bị oánh chết thì đừng có hiện hồn về tìm em, em đập thêm cho khỏi đầu thai luôn!

3. Thứ ba là em nói về sự tử tế khi giao tiếp (giữa người với người hay người với thú gì cũng vậy). Trước tiên là nói về mối quan hệ “đầy tớ” và nhân dân. Vác mặt tới cơ quan nhà nước thì y như rằng sẽ được nghe la mắng, sỉ vả, dạy bảo, nạt nộ… bất kể cái loại nhân dân là già hay trẻ, hiểu chuyện hay khờ khạo. Mà nói chi đến cái bọn “đầy tớ” đầy quyền hành, ngay cả cái thằng bảo vệ ở cổng, chị tạp vụ, hay thím dọn rác ở khu phố cũng có thể hạch sách bất kỳ cái loại nhân dân nào… không biết điều!

Ở Việt Nam, đố có thằng nào dám bước vào trụ sở công an hay UBND xã, phường để hỏi thăm đường xá. Bước vào đó mà hỏi đường lơ mơ nó bắt và chở thẳng vô nhà thương điên thì khổ!

“Tính đến cuối 2011, Việt Nam có khoảng 2,83 triệu công chức, so với dân số, chiếm 2,36%, còn tính lực lượng hưởng lương có trợ giúp từ ngân sách khoảng 7,54 triệu người.” [1] Trong cái đám đầy tớ này, không biết được bao nhiêu là tử tế, mà nếu có, chắc cũng thuộc dạng nằm trong sách đỏ rồi.

Đó là nói về quan hệ “đầy tớ” – nhân dân. Còn quan hệ giữa nhân dân với nhau thì còn hỗn tạp hơn nữa. Bà con thử vác đầu ra mấy chỗ công cộng như bến xe, quán ăn, chợ, bệnh viện… cứ hỏi thử mấy anh xe ôm, chị bán hàng một vài câu, hên hên thì nhận được câu trả lời tử tế, chứ phần lớn thì họ trả lời cộc lốc, còn nói mà vẫn chưa hiểu, hỏi lằn nhằn vài câu nữa, thể nào cũng bị chửi… ngu!

Đi mua sắm thì phải ăn mặc cho sang trọng, đẹp đẽ. Ăn mặc xuề xoà thì khó mà được tiếp đãi đàng hoàng, nhiều khi nó còn canh mình như canh trộm. Trong Nam thì người bán họ còn lịch sự hơn tí, không thích cũng để bụng, không chê thẳng mặt, ra Bắc mà đi mua hàng, lăn tăn thì thế nào cũng bị chửi. Ở ngoài Bắc, cửa hàng là Thượng đế, còn khách hàng là cái loại gì thì đến nay vẫn chưa ai xác định được. Vô loại!

4. Bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Viết tới đây thì thấy dài mà trời đã khuya, thôi túm gọn lại cho lẹ. Em xin kể một câu chuyện vui thế này:

Có một đám đông tụ tập bên đường, bên trong có mấy người bàn tán với nhau “nhìn chết trông thảm thiệt, tội nghiệp quá, trông cũng già rồi, nhưng mà còn bị chết thảm!”. Bỗng phía ngoài có một thanh niên chen vào đám đông và la lớn: “Cho tôi qua, cho tôi qua, tôi là con của nạn nhân!”. Khi chen được vào giữa đám đông rồi, thì chỉ thấy xác một con chó già bị xe cán chết. Có người chửi đổng vào: “Địt bố mày cái đồ tài lanh, chó chết mà cũng nhận làm cha để xin về thịt àh?!!”

Khi nghĩ về mấy chuyện này, nghĩ tới nghĩ lui rồi em cũng nghĩ tới một điều duy nhất: Một dân tộc mà số đông đang thiếu văn hoá trầm trọng như thế thì không biết lấy gì để tin vào tương lai đây?!! Haiz…

Đón sau: Nói gì thì nói chứ em cũng mong là những nhận định trên của em là chủ quan và chưa toàn diện. Còn bằng không, thì chỉ có thể hi vọng một điều rằng dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, rồi sẽ có ngày dân tộc Việt Nam qua suy đến thịnh. Ngày đó là khi nào thì có Trời biết, cứ mà hi vọng thôi.

Chú thích:
[1] http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-noi-vu-co-nghe-tin-chay-viec-ton-nhieu-tien-579227.htm